1. Tác động tổng hợp: Nếu nói bơi lội giúp cải thiện hệ thống tim mạch thì chạy bộ, đạp xe, … cũng có tác động tương tự. Nếu nói bơi lội là môn tác động đến toàn thân thì các môn thể dục, thể hình, yoga, võ thuật … cũng không hề “kém cạnh”. Nếu nói bơi lội giúp giảm cân hiệu quả thì nhiều môn khác cũng “làm” được việc đó. Điều bơi lội khác với các môn khác là nó có tác động tổng hợp. Những môn cải thiện hệ thống tim mạch thì thường không có tác động toàn thân (ví dụ khi chạy và đạp xe, bạn sử dụng phần lớn là phần thân dưới), còn những môn tác động toàn thân thì lại không “ưu thế” lắm về việc cải thiện tim mạch! Chỉ có bơi lội là vừa cải thiện tim mạch vừa tác động toàn thân. Quá hay!
2. Tạo cảm giác lơ lửng: Cảm giác không trọng lượng trong nước là tuyệt vời. Mọi người cảm thấy vui hơn khi ở trong nước. Nó giải phóng nhiều hơn. Đi bơi là được tập thể dục trong một môi trường không trọng lượng. Đó là điều thú vị nhất sau những lơ lửng trong không gian bên ngoài con tàu vũ trụ!
3. Giúp thư giãn sâu: Nước massage lên bề mặt da khi bơi nên có tác dụng giúp người bơi thư giãn; nước tạo áp lực đè lên thành ngực giúp người bơi thở ra sâu hơn; nước giúp người bơi trong lúc vận động có thể để đầu óc trống rỗng, không suy nghĩ như cách tập thiền định; nước giúp người bơi chú ý nhiều vào “hơi thở” cũng tương tự như tập thiền. Năm 1992, một công trình nghiên cứu khoa học tại Mỹ đã công bố rằng tác động thay đổi tâm trạng của bơi lội và yoga là tương tự nhau. Chính vì vậy, người ta cho rằng hồ bơi là nơi tuyệt vời để bạn có thể xả stress và “ngắt kết nối” với phần thế giới còn lại để thư giãn. Bạn không phải lo nghĩ gì khi đang bơi, chỉ còn “ta với nước”, tâm tĩnh lặng, hồn thư thái, trí nghỉ ngơi (dĩ nhiên là khi bạn đã có trình độ bơi nhất định và bơi ở một hồ không quá đông)
4. Dễ chịu, thoải mái ngay trong lúc tập: khác với các môn trên cạn khác, khi bơi, bạn không cần quá căng thẳng, không cần phải “nghiến răng, nghiến lợi” thực hiện động tác, không cần “lên gân, lên cốt” để khắc phục lực cản, không cần “nhăn mày, nhíu mặt” để thể hiện sự nỗ lực trong việc hạ gục đối thủ. Ngoài ra, bơi lội còn là một hình thức tập luyện không có mồ hôi, hay nói đúng hơn là cơ thể vẫn tiết ra mồ hôi nhưng người bơi sẽ không cảm thấy khó chịu vì nước đã làm mát cho cơ thể bạn.
5. Ít gây chấn thương cho người tập: Nước nâng đỡ đến 90% trọng lượng cơ thể nên bơi lội là một hình thức tập luyện không đặt thêm tải trọng lên các khớp, vì vậy nó ít gây chấn thương cho người tập. Chính vì tác dụng này nên bơi còn là môn thể thao giúp cho VĐV các môn trên cạn khác duy trì sự vận động cần thiết trong lúc đang chữa trị chấn thương.
6. Không có rào cản về tuổi tác hoặc năng lực. Như đã nói ở trên, bơi là môn có mức va chạm thấp, có nghĩa là bạn có thể tập bơi đến khi bạn 100 tuổi (theo đúng nghĩa của nó)! Ngoài ra, do nước nâng đỡ phần lớn trọng lượng cơ thể của người bơi nên bơi cũng không quá “kén chọn” người tập. Dù bạn là ai, mập hay ốm, cao hay thấp, nam hay nữ, mạnh hay yếu … bơi lội cũng là môn bạn có thể tham gia tập luyện được.
7. Có nhiều trang bị tập luyện (chân vịt dài, chân vịt ngắn, bàn quạt, vòi hơi, ván kẹp chân, ván cầm tay, …) hỗ trợ để tăng hiệu quả tập luyện của bạn: các phụ kiện tập luyện rất đa dạng này giúp cho việc tập bơi trở nên thú vị và không nhàm chán.
8. Có tác dụng chữa một số bệnh: mặc dù có rất nhiều bài báo nêu lên tác dụng chữa bệnh của bơi lội nhưng tôi khá thận trọng khi nói về vấn đề này. Điều dễ nhận thấy là do được nước nâng đỡ, cơ thể nằm ngang khi vận động và động tác thở trong nước nên bơi lội rất hiệu quả trong việc chữa trị đối với các bệnh xương khớp; hô hấp và chứng đau lưng. Ngoài ra, nước còn giúp người bơi dễ thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, ít bị chứng cảm mạo thông thường.