Chào mừng bạn đến với Dolphin Swim School

Gọi ngay cho chúng tôi:

0328345566

Người mới học bơi: 4 điều không biết và những hậu quả

Đăng bởi CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC THỂ THAO VÀ GIẢI TRÍ SAO BIỂN vào lúc 26/03/2021

Phong trào học bơi hiện nay đang có chiều hướng phát triển tốt. Mọi người đã hiểu hơn về tác dụng của bơi lội đối với sức khỏe, giải trí và an toàn nước. Và để đáp ứng cho nhu cầu học bơi ngày càng cao, các cá nhân, tổ chức tham gia dạy bơi cũng ngày càng tăng, dẫn đến một thực tế là chất lượng dạy bơi hiện nay cũng “thượng vàng hạ cám”. Điểm giống nhau là nơi nào cũng quảng cáo khá hay nên “thượng đế” cũng khó lòng biết được thực hư như thế nào. 

1. Không biết "biết bơi" là gì

Về khái niệm “biết bơi là gì”, ngay cả người dạy bơi còn chưa thống nhất nữa là người học bơi! Sự không thống nhất này dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong nội dung dạy bơi, mục tiêu học bơi, phổ cập bơi và an toàn nước. Ở góc độ người học bơi, do không nắm vững khái niệm này nên người học bơi dễ sa vào những lời hứa hẹn “bao biết bơi” của người dạy bơi. Bơi “lóp ngóp” hết một chiều dài hồ không cần biết kỹ thuật đúng sai là thầy đã nói là “đã biết bơi”! Người học bơi cũng nghĩ là mình bơi được nên không học bơi nữa và tự tin “bước ra biển lớn”! Nguy hiểm vô cùng! Và cũng chính vì lý do này mà ở các hồ bơi công cộng, tìm một người bơi tương đối đúng kỹ thuật là rất khó, khó hơn rất nhiều tìm một người bơi sai kỹ thuật cơ bản!

2. Không biết “thời gian là yếu tố quan trọng nhất để học bơi”

Người học bơi thường không biết một nguyên lý quan trọng của việc học bơi là: “Việc tiếp xúc thường xuyên với nước chính là chìa khóa cho người mới bắt đầu”. Tiếp xúc với nước quá ít làm cho người học không phát triển được cảm giác nước để bơi tốt. Cam kết "ngâm mình dưới nước" ít nhất 3 tháng có thể là một cam kết tối thiểu dành cho người học bơi. 

Để học mới một điều gì đó, người học rất cần yếu tố “exposure”. Exposure được định nghĩa như một trải nghiệm cần có để học một điều gì mới. Muốn nắm bắt một nền văn hóa mới, bạn phải có trải nghiệm đủ lâu ở đất nước đó. Muốn học một ngoại ngữ nào đó, bạn phải “đắm chìm” trong ngôn ngữ bạn đang học. Muốn nấu ăn ngon, bạn phải “lăn vào bếp” thường xuyên. Muốn bơi tốt, bạn phải “ngâm nước” đủ lâu. 

Học bơi cũng như ghép các mảnh rời trong trò chơi ghép hình. Thiếu một mảnh nào thì bức hình cũng sẽ không hoàn chỉnh. Ghép vào một mảnh không đúng cũng làm cho bức hình “xộc xệch”, mà đã ghép hình thì phải có thời gian để lựa chọn mảnh đúng. 

3. Không biết “học bơi nhanh là phải học chậm”

Học bơi là học kỹ năng, mà học kỹ năng đòi hỏi sự lặp đi lặp lại ở dưới nước để cho cơ bắp hình thành dần “trí nhớ”. Học bơi là học nổi, không có cục đá nào bơi được cả. Học bơi là học thở, không phải thở trên bờ được là xuống nước thở được. Học bơi là học tư thế, trên bờ nằm ngang là thư giãn, dưới nước nằm ngang là hoạt động nên phải học lại hết để có định hướng không gian đúng.  

Vì vậy, nếu bạn muốn mình có kỹ thuật bơi tốt và duy trì suốt đời, đừng vội vàng trong quá trình học bơi. Có rất nhiều thứ phải học và cái nào cũng đòi hỏi phải có sự lặp đi lặp lại để nắm bắt, để thành những phản xạ tự động. 

Học bơi như cuộc chạy đua giữa rùa và thỏ. Người học bơi phải “chậm, đều và ổn định” như rùa mới giành chiến thắng. Mong muốn đi nhanh như chú thỏ hiếu thắng thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi. Thầy dạy bơi dạy chậm mới là thầy dạy tốt!

Ở các nước, với quan điểm xem trọng cảm giác nước và hiệu quả quạt nước, giáo viên dạy bơi thường không gấp gáp trong giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu của học viên. Họ dạy bơi từng bước như dạy cho trẻ em mới tập đi: từng bước, từng bước một. Họ cho học viên thực hiện chỉ một động tác duy nhất (VD: quạt một lần tay ếch) cho đến khi học viên có thể tỳ nước và quạt tay “có lực” thì mới cho phép học viên tăng lên 2 tay quạt, và cứ thế. Chúng ta thì cứ thích dạy nhanh. Chúng ta hài lòng với việc học viên có thể bơi hết chiều dài hồ với động tác tay trượt nước.

4. Không biết “chất lượng ông thầy”

Điều quan trọng mà bạn cần biết là bạn bơi xấu đẹp ra sao, kỹ thuật đúng sai như thế nào là do ông thầy, chứ không phải do năng lực của bạn. Không có học trò dở, chỉ có ông thầy tồi!

Hiện nay có 3 loại ông thầy tồi: thầy chỉ biết bơi chập chững hoặc bơi rất kém, thầy biết bơi nhưng không biết cách dạy về mặt sư phạm, thầy biết dạy nhưng chạy theo yêu cầu người học nên cắt bớt quy trình. 

Vấn đề là làm sao bạn chọn được ông thầy tốt? 

Cũng như khi mua một mặt hàng nào đó, bạn phải có so sánh, đối chiếu, tìm hiểu thông tin, hỏi thăm những người đã từng trải nghiệm và đặc biệt là phải biết quan sát. Năng lực ông thầy thường được thể hiện qua bằng cấp, thâm niên, kinh nghiệm, khả năng bơi, khả năng giao tiếp và truyền đạt.

Starfish: 096 117 08 55 Dolphin: 032 834 5566
Messenger truongboidolphin Messenger 2 truongboidolphin